Thời tiết khu vực đèo Sa Mù thường thay đổi trong ngày, trong cùng thời gian nhưng có thể phía Nam đèo Sa Mù trời đang nắng đẹp, ngược lại phía Bắc trời lại đổ mưa. Đặc biệt về mùa đông khí hậu trên đỉnh Sa Mù hết sức khắc nghiệt, gió mùa Đông bắc cứ thổi suốt ngày đêm, sương giăng kín lối, đôi lúc người đi đường chỉ cách nhau khoảng 10 m đã không thể nhìn thấy nhau.
Cây Lim sét Bắc Bộ nở hoa
Mùa xuân, dọc hai đường Hồ Chí Minh vắt qua đỉnh Sa Mù có rất nhiều loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, nhiều nhất là hoa mua mà người Vân Kiều gọi là hoa “Líc Chiếc” luôn rực rỡ vào những ngày nắng, hoa cây “Rà đẹt lửa” màu đỏ như thắp lửa gọi hè, hoa cây Lim sét Bắc Bộ màu vàng nhìn cứ ngỡ hoa mai…
Hoa của cây Ra đẹt lửa rực rỡ sắc màu
Sa Mù còn nổi tiếng với nhiều giống tre khác nhau, trong đó có loài tre “A ho” thân lớn, cứng có thể dùng để làm nhà, làm hàng thủ công như thìa, nỉa, ống đựng đồ, còn loài “Len xanh” thân nhỏ, thẳng mọc trên núi cao dùng để làm ống hút…
Nhờ công tác bảo vệ của lực lượng kiểm lâm và khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và đồng bào Vân Kiều ở Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập…nên Sa Mù vẫn còn giữ được nhiều cánh rừng nguyên sinh, là tổ ấm chung của rất nhiều loài thú và chim quý trên dãy Trường Sơn.
Hoa Mua, tiếng Vân Kiều gọi là hoa “Líc Chiếc” càng trở nên rực rỡ vào ngày nắng suốt cả mùa Hạ.
Từ thành phố Đông Hà ngược Quốc lộ 9 đến thị trấn Khe Sanh rồi rẽ về phía Bắc theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh với toàn bộ quãng đường khoảng hơn 100 km, vào những ngày đẹp trời, du khách sẽ có dịp được ngắm mây trên những dãy núi trùng điệp, ngắm muôn cây khoe sắc lá và hoa và nghe chim hót líu lo... Sa Mù là điểm dừng chân quyến rũ dành cho những ai yêu mến thiên nhiên, muốn được hòa mình với hoa lá và chơi vơi cùng mây ngàn gió núi.
Một khu rừng nguyên sinh trên đỉnh Sa Mù
Loài tre nhỏ trên đỉnh Sa Mù được sử dụng làm các mặt hàng thủ công
Nhánh Tây đường Hồ Chí Minh vắt qua đỉnh Sa Mù thường thưa vắng người qua lại
Một nhóm du khách ngước ngoài chụp ảnh các loài chim trên đỉnh Sa Mù